Những điều cần biết về Công Đoàn Việt Nam

Công đoàn là tổ chức chính trị xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động, cùng với cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền lợi của cán bộ, công nhân viên chức và những người lao động khác; tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế; giáo dục cán bộ công nhân viên chức và những người lao động khác xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Công đoàn Việt Nam là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, là sợi dây truyền lực giữa Đảng và người lao động và là người cộng tác đắc lực của Nhà nước. Về vai trò của Công đoàn Việt Nam, có ba vai trò như sau: công đoàn giúp người lao động biết cách quản lý, tự quản lý, tham gia quản lý sản xuất, quản lý cơ quan, xí nghiệp, quản lý các công việc xã hội; công đoàn giúp người lao động tham gia tích cực vào việc đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, hoàn thiện các chính sách kinh tế; nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất kinh doanh; Công đoàn giáo dục người lao động về thái độ lao động mới; giáo dục chính trị, tư tưởng, pháp luật, văn hoá, lối sống.

Công đoàn đại diện chăm lo và bảo vệ các quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người LĐ; bảo vệ lợi ích cá nhân phải gắn với lợi ích tập thể; Công đoàn tôn trọng lợi ích của người sử dụng lao động. Công đoàn tham gia xây dựng pháp luật, xây dựng chế độ chính sách có liên quan đến người lao động; tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; tham gia xây dựng bộ máy quản lý Nhà nước trong sạch vững mạnh; tham gia tổ chức các phong trào thi đua, các hoạt động xã hội. Công đoàn tuyên truyền phổ biến pháp luật; giúp người lao động hiểu biết về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa,; giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ nghĩa Mác Lênin, quan điểm, đường lối, chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước, truyền thống lịch sử của dân tộc.

Công đoàn Việt Nam là một tổ chức thống nhất trong phạm vi cả nước. Công đoàn Việt Nam có 4 cấp cơ bản sau :

– Cấp Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

– Cấp tỉnh và ngành trung ương gồm: Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Công đoàn Ngành Trung ương, một số CĐ tổng công ty có vị trí quan trọng do Tổng LĐLĐ Việt Nam trực tiếp quản lý và chỉ đạo.

– Cấp trên trực tiếp cơ sở gồm: Liên đoàn Lao động các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Công đoàn giáo dục các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Công đoàn ngành địa phương; Công đoàn Các khu công nghiệp, khu chế xuất; Công đoàn Đại học quốc gia, Đại học vùng và các đơn vị được CĐ cấp có thẩm quyền ra quyết định công nhận.

– Cấp cơ sở gồm: các công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp; các nghiệp đoàn.

Ngoài ra, đối với các đơn vị có đông đoàn viên, dưới Công đoàn cơ sở là Công đoàn cơ sở thành viên, công đoàn bộ phận và Tổ công đoàn.